0913 078 556 Hotline
nammyhcm2010@gmail.com Email liên hệ
» » Lúa thơm Tôm sạch, mô hình thông minh và bền vững

Lúa thơm Tôm sạch, mô hình thông minh và bền vững

Đó là khẳng định của các nhà khoa học và nông dân vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) tại Hội nghị chuyên đề phát triển mô hình Lúa thơm – Tôm sạch được tổ chức vào ngày 5-6.

Theo ông Lê Phát Minh - nông dân xã Gia Hòa 2, các nhà khoa học nhận định mô hình tôm – lúa là mô hình thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu là rất chính xác. Chẳng hạn như năm nay, nắng nóng rất gay gắt và độ mặn rất cao, trong khi những nơi khác đều kêu khó, kể khổ thì nông dân vùng tôm – lúa vẫn sống rất bình thường. Hiện tại, các điều kiện nuôi tôm đã dần ổn định nên tôi cũng bắt đầu thả giống 2 ao xem sao, nếu thấy thuận lợi sẽ tiếp tục thả hết các ao còn lại theo đúng khung lịch thời vụ để sao cho thu hoạch tôm xong vẫn còn kịp làm vụ lúa thu hoạch trước tết, vừa bán được giá cao, vừa né được hạn, mặn đầu năm nếu có xảy ra.

Các diễn giả giải đáp thắc mắc về mô hình tôm – lúa của người nuôi tôm. Ảnh: TÍCH CHU

Là người gắn bó với mô hình tôm – lúa hơn 20 năm, ông Mã Thanh Hồng, ở HTX Hòa Đê (Hòa Tú 1) khẳng định, mô hình này là rất ổn. Ông Hồng cho biết: “Gần đây, ngoài con tôm nước lợ trong mùa nắng và cây lúa thơm sản xuất theo chuẩn hữu cơ trong mùa mưa, tôi còn nuôi thêm con tôm càng xanh nên lợi nhuận cũng tăng hơn. Hiện nay, HTX của tôi đang có đầu ra sản phẩm cá rô phi khá tốt, nên chúng tôi cũng tính đến chuyện phát triển đối tượng này trong mô hình tôm – lúa và nếu thành công thì không chỉ có hiệu quả mà tính bền vững cũng cao hơn”.

Mô hình tôm – lúa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) được phát triển từ năm 1990 và được đánh giá là mô hình thông minh, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Đánh giá về mô hình tôm – lúa, PGS.TS Trương Quốc Phú – Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nhận xét: “Xu hướng bền vững trong nuôi trồng thủy sản hiện nay được chia thành 2 hướng: hướng thứ nhất là nuôi với mật độ thấp theo quy trình gần với tự nhiên, sản phẩm thu được là sản phẩm sạch, mà mô hình tôm – lúa là một điển hình cho xu hướng này. Hơn nữa, mô hình tôm – lúa còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong nước và thế giới là: ngon và sạch. Xu hướng thứ hai là nuôi công nghệ cao có hệ thống xử lý triệt để chất thải, nước thải trước khi được thải ra môi trường”.

Theo ông Đào Đắc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, trong 5 năm gần đây, mô hình này càng chứng minh tính hiệu quả của nó khi được phát triển lên mức cao hơn với sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn ASC, VietGAP và lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ và EU là giống ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, sản lượng tôm của mô hình đạt 30.000 tấn đến cuối năm 2019 tăng lên 39.000 tấn. Riêng vụ tôm năm 2020, theo kế hoạch, diện tích thả tôm từ mô hình là 18.800ha; trong đó, tôm sú là 6.800ha, sản lượng 9.000 tấn và tôm thẻ là 12.000ha, sản lượng 31.400 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, nên đến cuối tháng 5, khu vực thực hiện mô hình tôm – lúa chỉ mới thả giống được gần 9.700ha, tức chỉ bằng 51,56% kế hoạch.

Con tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực trong mô hình tôm – lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU

 

Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển mô hình tôm – lúa hiện đang gặp một số khó khăn nhất định: do lợi nhuận từ con tôm lớn nên vẫn còn một số hộ tiếp tục thả nuôi tôm vụ 2 mà không thực hiện xuống giống lúa, gây khó khăn cho những hộ sản xuất lúa lân cận. Quy mô diện tích mô hình còn nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao; chưa cơ giới được khâu thu hoạch lúa nên chi phí còn cao… Với những lợi thế và khó khăn trên, để duy trì và phát triển mô hình, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận chủ trương cho huyện Mỹ Xuyên xây dựng Dự án Phát triển mô hình “Lúa thơm – Tôm sạch” trên diện tích khoảng 18.000ha, giai đoạn 2021 – 2025, với tổng kinh phí thực hiện các hạng mục dự án khoảng 500 tỉ đồng. Trước mắt, để đảm bảo thành công kế hoạch sản xuất tôm – lúa năm 2020, theo ông Tăng Thanh Chí – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, Phòng Nông nghiệp huyện đã đề ra các giải pháp như: khuyến cáo nông dân đẩy nhanh tiến độ thả giống từ nay đến hết tháng 6 để kịp lấp lại vụ lúa sau khi thu hoạch tôm; tăng cường công tác tập huấn, hội thảo và thông tin thời tiết, môi trường, dịch bệnh cùng các khuyến cáo thường xuyên đến người dân…

 

 

Với sản phẩm là lúa hữu cơ, giá trị và tính hiệu quả của mô hình tôm – lúa ngày một tăng lên. Ảnh: TÍCH CHU

Để hỗ trợ cho mô hình tôm – lúa phát triển, từ năm 2016 đến nay, các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên xây dựng 16 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), trong đó, có 4 HTX được doanh nghiệp hỗ trợ thực hành nuôi tôm đạt và được cấp chứng nhận ASC. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Các liên kết vừa qua là rất tốt khi tôm nuôi của các HTX đạt chứng nhận ASC chẳng những được doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường đến 15%, mà còn được doanh nghiệp hỗ trợ cho HTX mỗi năm khoảng 350 triệu đồng để thực hành nuôi theo chứng nhận ASC. Tuy nhiên, do ngay bản thân nội bộ HTX, việc thả nuôi tôm cũng không đồng loạt, nên từng lúc, từng nơi tôm thu hoạch không bán được cho doanh nghiệp liên kết với giá thỏa thuận do số lượng quá ít. Vì vậy, tới đây, chi cục tiếp tục phối hợp cùng Icafis, Oxfam… thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản xuất cho các HTX và THT vùng tôm – lúa. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị bộ cần có quy định doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải gắn với vùng nguyên liệu cụ thể vừa giúp tiêu thụ tôm, vừa giúp có việc kiểm tra, chứng nhận xuất xứ hàng hóa tốt hơn”.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng, con tôm có tầm quan trọng rất lớn và có tính quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp và huyện Mỹ Xuyên phải quyết liệt hơn nữa để triển khai cho bằng được dự án “Lúa thơm – Tôm sạch” để vừa phát triển bền vững, vừa nâng cao thu nhập cũng như giá trị sản phẩm lúa và tôm của mô hình. Hơn nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh trên tôm chưa được khống chế hoàn toàn và thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thuận thiên và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thì mới có được thành công cao.

Còn theo ông Đào Đắc Hùng, đối với mô hình tôm – lúa, nông dân cần phải xác định: nuôi tôm là để làm giàu còn trồng lúa là để ổn định cuộc sống hàng ngày. Hay nói cách khác, chủ trương phát triển mô hình tôm – lúa là nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo cho sản xuất được phát triển bền vững.

XUÂN TRƯỜNG.

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 16/06/2020
Ngày cập nhật: 17/6/2020

 

 

 

 

 

 

 

Nhắn tin đến Nam Mỹ
Đóng
facebook
email