0913 078 556 Hotline
nammyhcm2010@gmail.com Email liên hệ
» » Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 1:Tầm quan trọng của nguồn giống đến sự thành công trong nuôi tôm

Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 1:Tầm quan trọng của nguồn giống đến sự thành công trong nuôi tôm

Một câu hỏi đặt ra là nguồn giống ảnh hưởng như thế nào đến thành công của nghề nuôi tôm?

TS. Đinh Thế Nhân - Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh cho biết, trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thủy sản) cách đây hơn 10 năm người ta cho rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ngày nay con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, đối với nuôi tôm nước lợ chỉ cần chọn được con giống tốt thì coi vụ tôm đó đã thành công 50%...

Khảo sát thực tế tình hình nuôi tôm của bà con vùng ĐBSCL cũng cho thấy, người nuôi tôm nào chọn được giống tốt thì tôm nuôi vụ đó lớn nhanh, sức chống chịu của tôm với điều kiện môi trường tốt, ít dịch bệnh, khả năng thắng lợi vụ tôm đó là rất cao. Còn người nuôi tôm nào chẳng may chọn phải tôm giống kém chất lượng thì coi như vụ tôm đó thất bại.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân nuôi tôm nhiều kinh nghiệm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, những tháng đầu năm 2015, thời tiết diễn biến phức tạp, từ thời tiết lạnh chuyển sang nắng nóng kéo dài nên hầu như các ao tôm khu vực này đều bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớm hay xổ tôm bỏ. Tuy nhiên, ao tôm của ông Hùng vẫn phát triển tốt, thu hoạch đạt sản lượng khá. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này là ngoài vấn đề quản lý tốt môi trường, mầm bệnh ao nuôi thì việc quan trọng nhất là chú trọng việc chọn tôm giống chất lượng tốt tại cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín, được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng giống trước khi chọn mua tôm giống.

“Mặc dù nghề nuôi tôm hiện nay rủi ro rất cao, thành bại trong nuôi tôm còn mang tính may rủi, nhưng dù sao đi nữa khi chọn được tôm giống tốt thì khả năng thành công của vụ tôm đó coi như rất cao. Còn nếu ham rẻ, chọn tôm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được kiểm tra mầm bệnh, chất lượng giống đầy đủ trước khi mua giống thì coi như vụ tôm đó chắc chắn thất bại”, ông Hùng đúc kết.

Ở Việt nam, hầu hết các vùng nuôi theo mô hình phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Vì thế, giải pháp cho các cùng này chỉ có thể là chọn thời điểm thuận lợi hoặc thuận lợi hơn để thả nuôi, đặc biệt lựa chọn tôm giống có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện bất lợi của môi trường là điều hết sức cần thiết.

Để chọn được con giống đúng tiêu chuẩn, người nuôi cần tuân thủ các nội dung sau:

Chất lượng con giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát bệnh đối với tôm nuôi. Do đó, tôm giống thả nuôi cần chọn mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; tôm Postlarva có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy...

Về kích cỡ tôm giống, cần chọn tôm sú tối thiểu PL15 tương ứng chiều dài 12mm, tôm thẻ chân trắng tối thiểu PL12 tương ứng chiều dài 9-11mm. Do áp lực thiếu giống, nhiều bà con đã tiến hành thả giống chỉ đạt kích cỡ PL8 đến PL12 (tùy theo loại tôm) nhưng ở giai đoạn này tôm chưa phát triển hoàn chỉnh như tôm trưởng thành nên tôm không đủ sức chống lại điều kiện khắc nghiệt khi vận chuyển giống hay điều kiện thủy lý hóa, thổ nhưỡng tại ao nuôi.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm có thể sử dụng các biện pháp đánh giá cảm quan để chọn tôm giống chất lượng. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bệnh phát sáng.

Hay có thể dùng phương pháp ngừng sục khí bể giống trong 2 phút để quan sát tôm, tôm post bơi ngược dòng là tôm tốt, tập trung ở giữa là tôm xấu. Gan tụy to và có nhiều giọt mỡ khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm tốt, còn nếu gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt mỡ là tôm nhiễm bệnh. Quan sát dưới kính hiển vi để có thể phát hiện sự bám bẩn trên tôm post bởi các loại ký sinh trùng và nấm. Sự hiện diện của ký sinh trùng và nấm trên tôm chứng tỏ chất lượng nước kém của bể ương giống.

Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng formol trước khi thả. Cụ thể, thả 100 - 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống trên 95% là đạt yêu cầu. Ngoài ra, khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa. Nếu có trên 5% tôm con thả trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu không nên chọn mua.

Tôm giống kháng bệnh

Những năm gần đây, xuất hiện những dòng tôm giống có thể kháng được một số bệnh nguy hiểm thường gặp đang là một hướng đi mới. Đây cũng là chiến lược phát triển nghề tôm của Ecuador, Colombia và một số nước.

Tại Ecuador, tôm bố mẹ được chọn giống theo hướng kháng bệnh và chống chịu tốt hơn với điều kiện bất lợi, thay vì chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng. Các công đoạn sản xuất tôm giống, ương nâng cỡ từ PL4 lên PL25 - 40 được đầu tư bài bản nhưng nuôi thương phẩm chỉ ở mật độ thấp 10 - 20 con/m2 để giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo hiệu quả nuôi trên diện rộng ở mức độ quốc gia.

Để chống lại dịch bệnh đốm trắng, Trung Tâm Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản Colombia (CENIACUA) đã khởi xướng một chương trình chọn lọc giống tôm có khả năng kháng bệnh này. Sau khi bắt đầu với tỉ lệ sống thấp và tốc độ tăng trưởng chậm ở những cá thể kháng bệnh, nhiều nghiên cứu gần đây liên quan đến việc tách biệt và kết hợp các quần thể tôm được chọn lọc và không được chọn lọc, CENIACUA đã đạt được các quần thể kháng WSSV nhiều hơn các quần thể không được chọn cho WSSV.

Năm 2017, công ty Benchmark thông báo đã phát triển một giống tôm kháng bệnh (SPR) để giải quyết những vấn đề mà châu Á - thị trường tôm lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới đang phải đối mặt.

Benchmark được thành lập vào năm 2000, là một công ty đổi mới tiên phong hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sức khỏe động vật.

Tôm SPR của Benchmark đã chứng tỏ khả năng chống chịu các bệnh thường gặp trên tôm như: Đốm trắng, Taura (TSV), bệnh hoại tử gan ở tôm (NHP), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV) và bệnh do vi khuẩn gây ra.

Bấm vào đây để xem “Kỳ 2”

Bình Minh - Tổng hợp

 

Nhắn tin đến Nam Mỹ
Đóng
facebook
email