0913 078 556 Hotline
nammyhcm2010@gmail.com Email liên hệ
» » Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 2: Dinh dưỡng cho tôm trong ao nuôi (phần 3 - vitamin)

Nghề nuôi tôm theo hướng bền vững - Kỳ 2: Dinh dưỡng cho tôm trong ao nuôi (phần 3 - vitamin)

Vitamin là một nhóm không đồng nhất các hợp chất hữu cơ cần thiết cho sự phát triển và duy trì cuộc sống của động vật. Chúng khác với các chất dinh dưỡng thực phẩm chính (protein, lipid và carbohydrate) do chúng không liên quan về mặt hóa học với nhau. Khoảng 15 loại vitamin đã được phân lập từ vật liệu sinh học; tính thiết yếu của chúng phụ thuộc vào loài động vật, tốc độ tăng trưởng của động vật, thành phần thức ăn, và khả năng tổng hợp của vi khuẩn đường tiêu hóa của con vật. Nhìn chung, tất cả các động vật đều có các dấu hiệu về hình thái và sinh lý khác biệt khi thiếu vitamin.

Vai trò và nhu cầu vitamin đối với động vật thực sự được quan tâm khi nghề nuôi thủy sản thâm canh ra đời. So sánh với các thành phần dưỡng chất chính trong thức ăn như protein, lipid và carbohydrat, vitamin chiếm một lượng rất nhỏ từ 1-2% trong thức ăn. Tuy nhiên, vitamin có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và chi phí có thể lên đến 15% trong khẩu phần ăn.

Hầu hết các vitamin giữ vai trò đặc biệt như là một co-enzyme hay các tác nhân hỗ trợ các enzyme thực hiện các phản ứng sinh hóa trong cơ thể sinh vật, chuyển các electron từ hợp chất hữu cơ sang chất nhận. Co-enzyme trong sự thành lập hồng cầu, tế bào thần kinh và tiền chất của các homones.

Nhiều kết quả nguyên cứu cho thấy, động vật thủy sản không có khả năng tổng hợp các vitamin hay khả năng tổng hợp rất ít, không đủ cho nhu cầu nên việc cung cấp vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là rất cần thiết.

Động vật thủy sản ăn thức ăn không được cung cấp đầy đủ vitamin sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp,  khả năng chịu đựng với biến động môi trường kém và dễ bị bệnh. Một  số dấu hiệu bệnh lý khi thiếu vitamin ở động vật thủy sản đã được ghi nhận như: xuất huyết, dị hình, nứt sọ ở cá, đen thân ở tôm…

Nhu cầu vitamin cho động vật thủy sản đã được một số tác giả nghiên cứu và đề ra mức thích hợp cho một số loài. Tuy nhiên nhu cầu vitamin chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: kích cỡ và giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, các yếu tố môi trường nuôi, mối tương tác với các thành phần dinh dưỡng khác và đặc biệt là quá trình chế biến và bảo quản.

Dựa vào đặc tính hòa tan mà vitamin được chia làm hai nhóm chính:

Nhóm vitamin tan trong nước

Nhóm vitamin tan trong nước bao gồm nhóm vitamin B, vitamin C, choline, inositol, có một giá trị dinh dưỡng rõ rệt. Ngoài ra, một số hoạt tính của vitamin chưa xác định rõ như p-aminobenzoic acid, lipoic acid, citrin cũng liệt kê vào nhóm vitamin tan trong nước. Chức năng chính của nhóm này là coenzyme trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Một vài loài cá nước ấm có khả năng tổng hợp một số vitamin  này.

Nhóm vitamin tan trong chất béo

Nhóm vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, và K. Nhóm này được hấp thu qua ruột cùng với chất béo trong thức ăn. Vì vậy khi chất béo trong thức ăn được hấp thu tốt thì tạo điều kiện cho nhóm  vitamin này cũng được hấp thu tốt hơn. Nhóm vitamin này sẽ tích lũy trong cơ thể khi được cung cấp vượt quá nhu cầu. Vì vậy nhu cầu về nhóm vitamin này rất biến động và phụ thuộc vào lượng vitamin được tích lũy trước đó của cơ thể động vật thủy sản.

Vai trò một số vitamin đối với tôm:

Thiamin (Vitamin B1)

Vitamin B1 có tên hóa học là thiamin hay thiamin chlohydrate. Chức năng là Co-enzymes trong biến dưỡng carbohydrate. Nhu cầu thiamin được xác định tùy theo mức năng lượng có trong thức ăn. Nhu cầu vitamin B1 ở tôm biển với mức đề nghị là 60 mg/kg thức ăn.

Các nghiên cứu cho thấy dấu hiệu bệnh lý khi ăn thức ăn thiếu vitamin B1 thường xuất hiện sau 8 -10 tuần. Dấu hiệu rõ nhất là sinh trưởng của tôm cá giảm nhanh, sức ăn kém, teo cơ, co giật, bất ổn và mất cân bằng, phù, tăng trưởng kém, khả năng suy nhược khi bị kích thích bất ngờ, tê liệt hoặc bơi một cách dị thường.

Vitamin C

Vitamin C hay Axit ascorbic và sản phẩm oxy hóa của nó (dehydro-L-ascorbic acid) hoạt động như các chất chống oxy hoá sinh học thông qua vai trò vận chuyển hydro trong tế bào động vật.

Trong nghiên cứu về thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, Vitamin C đã được nghiên cứu và đánh giá là cần thiết cho tôm cá cách đây trên 25 năm (Merchie, 1997). Vitamin C được xác định là rất quan trọng cho động vật thủy sinh bởi vì trong khi hầu hết các động vật khác có khả năng tổng hợp vitamin C từ glucuronic acid thì cá và giáp xác lại thiếu enzym gulonolactone oxidase cần thiết cho bước cuối cùng của quá trình tổng hợp (Dabrowki, 1990). Chính vì thế vitamin C của động vật thủy sản được hấp thu chủ yếu từ thức ăn.

Thức ăn thiếu vitamin C là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bệnh lý như bệnh vẹo cột sống ở cá và bệnh chết đen ở tôm. Ở giai đoạn ấu trùng, tôm cá cần nhiều vitamin C hơn giai đoạn trưởng thành, nó không những làm gia tăng tốc độ sinh trưởng mà còn làm tăng sức đề kháng của ấu trùng (Dabrowski và ctv, 1988).

Theo Viện nghiên cứu thủy sản quốc gia Mỹ (1993) hàm lượng vitamin C cần thiết cho tôm được đề nghị bởi D’Abramo (1995) là 100 mg/kg thức ăn.

Đối với tôm càng xanh, khi bổ sung 1500 mg Vitamin C/kg thức ăn, ấu trùng tôm có khả năng chống lại virus Vibrio harveyi. Đối với tôm cá bố mẹ, khi bổ sung Vitamin C vào thức ăn có khả năng làm tăng tỉ lệ nở của trứng, khả năng chịu đựng của cá bột và ấu trùng.

Các vitamin C và E được xem là quan trọng đối với tôm thẻ chân trắng (He & Lawrence, 1993). Khi tôm còn nhỏ, lượng vitamin C cần có trong mỗi kg thức ăn là 10 g. Tôm càng lớn, nhu cầu vitamin C càng giảm. Người ta thấy nếu cung cấp vitamin C dạng ascorbyl-2-polyphosphate ở mức 30 mg/kg thức ăn sẽ giúp tôm cải thiện sức đề kháng, ít bị bệnh do virus hoặc vi khuẩn Vibrio, nhờ đó tăng được tỉ lệ sống trong quá trình nuôi.

Trong nuôi thủy sản, khi thời tiết thay đổi hoặc xung quanh vùng nuôi có dịch bệnh cũng nên bổ sung thường xuyên Vitamin C vào thức ăn cho vật nuôi. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào loại Vitamin C, khoảng 500 - 1.000 mg/kg thức ăn. Đồng thời, nên định kỳ bổ sung khoảng 3 - 5 ngày/tháng.

Thông thường, trên thị trường nếu hàm lượng Vitamin C là 20% thì liều lượng cho tôm, cá ăn khoảng 3 - 6 g/kg thức ăn, để tạt xuống ao là 0,5 - 1 kg/1.000 m3 nước.

Pantothenic acid (vitamin B5)

Pantothenic acid  tham gia cấu tạo acetyl coenzyme A là một bước trung gian trong biến dưỡng carbohydrate, lipid và protein.

Nhu cầu Pantothenic acid ở tôm mức đề nghị là 70 - 75 mg/kg thức ăn.

Những biểu hiện thường gặp khi thức ăn thiếu pantotheic acid lâu ở tôm là tỉ lệ sống và sinh trưởng giảm.

Pantothenic acid được bổ sung vào thức ăn dưới dạng: calcium d -pantothenate (92% hoạt tính) hoặc : calcium dl- pantothenate (46% hoạt tính).

Vitamin PP (B3)

Vitamin PP là  thành phần của coenzyme liên quan đến các phản ứng oxy hóa và khử trong quá trình chuyển vận hydrogen và biến dưỡng của carbohydrate, lipid và amino acid.

Nhu cầu vitamin PP cho tôm ở mức được đề nghị là 40 mg/kg thức ăn.

Vitamin A

Vitamin A cần thiết cho mắt, cho sự vận chuyển canxi qua màng tế bào, cần thiết đối với sự thành thục và phát triển phôi. Ở tôm, vitamin A có hàm lượng cao ở trong mắt.

Vitamin A cần thiết để duy trì các mô biểu mô màng nhầy của hệ sinh sản, da, xương và đường tiêu hóa. Vitamin A cũng được chứng minh là cần thiết cho sự phát triển của buồng trứng, buồng tinh và phôi của giáp xác. Điều này có thể được chứng minh qua sự tích lũy vitamin A trong trứng của tôm trong quá trình thành thục (Fisher, 1985).

Vitamin D3

Vitamin D có hai dạng là Vitamin D2 (engocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D3 có nhiều vitamin D hoạt tính hơn  vitamin D2 và được tìm thấy chủ yếu ở động vật. Vitamin D3 được sử dụng tốt hơn là vitamin D2. Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển và hấp thu Ca và P. Khi bổ sung thiếu hoặc thừa vitamin D đều làm ảnh hưởng đến động vật thủy sản.

Dạng vitamin D thường được bổ sung vào thức ăn là vitamin D3 (cholecalciferol). Hàm lượng vitamin D3 cần bổ sung cho tôm được đề nghị là 2000 UI/kg thức ăn.

Dấu hiệu khi thiếu vitamin D ở tôm cá là sinh trưởng và hàm lượng khoáng trong cơ thể giảm, cong thân, suy kiệt canxi nội mô, phản ứng thiếu nhanh nhạy (hoạt động kém).

Vitamin E

Một trong những chức năng sinh học của vitamin E là ngăn cản quá trình oxy hóa chất béo cao phân tử không no (HUFA) của lipid trong màng tế bào sinh học. Vitamin E có vai trò trong quá trình tổng hợp và hoạt động của các hormone sinh dục.

Nhu cầu vitamin tăng khi hàm lượng PUFA trong thức ăn cao. Nhu cầu vitamin E ở tôm là 100 mg/kg thức ăn.

Đối với tôm biển, sức sinh sản và tỉ lệ nở của tôm giảm khi thức ăn được cung cấp thêm HUFA nhưng thiếu vitamin E. Mức đề nghị cho tôm biển ở giai đoạn nuôi vỗ là 600mg/kg thức ăn.

Bấm để xem phần 4

Bình minh - Tổng hợp

Tham khảo từ các tài liệu:

[1]. PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền

Bộ môn Dinh dưỡng và Chế Biến Thủy Sản – Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Cần Thơ.

Giáo trình “Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản”

[2] Fisheries and Aquaculture Department - Food and Agriculture Organization of the United Nations

The nutrition and feeding of farmed fish and shrimp-atrainingmanual - 1. the essential nutrients

[3] John E. Halver, Ph.D., NAS, MTA

School of Aquatic & Fishery Sciences - University of Washington, Seattle, WA. USA

The US Dept of Agriculture, NOAA of the Dept of Commerce, the US Soybean Board, and the National Research Council decided he 1993 bulletin on Nutrient Requirements of Fish was seriously outdated.

“Latest Facts for Fish and Shrimp Feed Formulations”
(NRC bulletin on Nutrient Requirements for Fish and Shrimp )

[4] Hamed Darvishpour 1*, Maziar Yahyavi 1, Felora Mohammadizadeh 1 and Maryam Javadzadeh 1

 1 Department of fishery sciences, Islamic Azad University Bandar Abbas branch, P.O. Box 79159/1311, Iran

* Corresponding author: Department of fishery sciences, Islamic Azad University Bandar Abbas branch, P.O. Box 79159/1311, Iran

“Effects of Vitamins A, C, E and their Combination on Growth and Survival of Litopenaeus vannamei Post Larvae”

[5] Chen Siqing Li Aijie  Dong wu xue Bao. [Acta Zoologica Sinica] [01 Jan 1994, 40 (1):266-273]

“Investigation on nutrition of vitamin a for shrimp penaeus chinensis: i. Effects of vitamin a on shrimp's growth and visual organ”

[6].https://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/thuysan/dinhduong-thucanthuysan/ddvathucan/CHUONG7.htm

[7].Phạm Thị Anh - Trường ĐH Nha Trang, tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản- Số 4/2013

“Nhu cầu vitamin C và vitamin E ở một số loài cá nuôi”

[8].http://thuysanvietnam.com.vn/su-dung-vitamin-c-trong-nuoi-trong-thuy-san-article-13284.tsvn

Bài viết của tác giả Lê Cung trên tạp chí điện tử Thủy sản việt nam thuộc hội Nghề cá Việt Nam - Thứ 5, 24/09/2015 14:25:25 GMT+7

“Sử dụng Vitamin C trong nuôi trồng thủy sản”

[9]. http://uv-vietnam.com.vn/NewsDetail.aspx?newsId=2944

PGS. TS. Trần Thị Thanh Hiền, Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ

"Vai trò của vitamin C đối với tôm cá nuôi”

 

Nhắn tin đến Nam Mỹ
Đóng
facebook
email